Tôi bắt đầu suy nghĩ về các hoạt động tập huấn phát triển chuyên môn cho giáo viên, nếu chúng ta muốn các giáo viên tôn trọng và lắng nghe tiếng nói của học sinh trong lớp học thì có lẽ những người làm công việc quản lí giáo dục cũng nên lắng nghe và tôn trọng những gì giáo viên muốn?

Từ khi tôi có ý tưởng thành lập Dự án đào tạo và hỗ trợ giáo viên, điều tôi vẫn luôn băn khoăn trăn trở đó là giáo viên thật sự cần gì? các hoạt động tập huấn phát triển chuyên môn hiện nay có thực sự là những điều mà giáo viên muốn? trong vai trò của các nhà quản lí giáo dục, lãnh đạo trường học cần phải làm gì? Làm thế nào để việc phát triển chuyên môn cho giáo viên có tác động đến hiệu quả giảng dạy và nâng cao kết quả học tập của học sinh? Dưới đây là những điều mà tôi đã rút ra trong suốt quá trình làm việc, tiếp xúc chia sẻ cùng với các giáo viên ở các trường phổ thông.

  1. Giáo viên muốn có tiếng nói và lựa chọn trong hoạt động tập huấn phát triển chuyên môn

Nếu học sinh luôn thích được lựa chọn, mong muốn được có tiếng nói và được lắng nghe trong lớp học vậy tại sao giáo viên lại không có quyền đó. Các hoạt động tập huấn chuyên môn hiện nay chủ yếu là do sự chỉ đạo từ trên xuống hoặc theo yêu cầu bắt buộc của phòng hoặc sở giáo dục, điều này khiến các giáo viên cảm thấy không hứng thú và không muốn tham gia. Vậy cần phải làm gì? Chúng ta cần phải trao quyền cho các giáo viên trước các chương trình đào tạo. Điều này giúp giáo viên cảm giác họ có tiếng nói và sự lựa chọn? Các hiệu trưởng và lãnh đạo các phòng giáo dục cần phải lắng nghe ý kiến và những điều giáo viên mong muốn trước các kì tập huấn.

Nhưng tôi cũng thắc mắc không biết tại sao các giáo viên lại không dám mạnh dạn thể hiện quan điểm và tiếng nói của mình? Liệu các giáo viên đã thực sự bình tĩnh và suy nghĩ sâu sắc về nhu cầu học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của bản thân? Họ có thực sự hiểu quá trình cải cách giáo dục đang diễn ra? Họ có hiểu được rằng xu hướng thay đổi và nhu cầu của học sinh sẽ đòi hỏi kỹ năng và năng lực mới ở người giáo viên mới.

Thông thường các giáo viên thường tỏ ra e ngại hoặc hờ hững khi nói đến việc tập huấn nâng cao trình độ. Nhưng cũng có những giáo viên đã nói với tôi rằng khi họ chia sẻ thì không có bất kì ai lắng nghe. Mỗi khi giáo viên đề xuất một khóa tập huấn nào đó, rất lâu sau đó họ mới nhận được nó. Hiếm khi giáo viên nhận được sự đáp ứng ngay. Và vì thế tôi tin, nếu giáo viên có tiếng nói và lựa chọn hơn chắc chắn họ sẽ thay đổi sẽ thay đổi.

  1. Giáo viên muốn các hoạt động tập huấn có liên quan đến học sinh chứ không phải chủ trương chính sách

Điều này rất quan trọng. Bồi dưỡng chuyên môn nên giúp giáo viên chuẩn bị cho những gì học sinh cần nhất. Nếu mục tiêu không chỉ là dạy học sinh mà còn giúp họ học tập nâng cao trình độ thì trọng tâm cần phải là giúp giáo viên tự học. Các giáo viên thường nhìn nhận các vấn đề tập huấn qua lăng kính của “nội dung kiến thức và các tiêu chuẩn nghề nghiệp” mà họ cần phải đáp ứng. Tôi cho rằng trọng tâm của hoạt động bồi dưỡng chuyên môn giáo viên cần phải hướng về những gì sẽ chuẩn bị cho học sinh thành công trong tương lai. Các kỹ năng, kỹ thuật và chiến lược mà các giáo viên đang học sẽ giúp họ tìm và hướng dẫn học sinh học thông qua niềm đam mê, sự quan tâm và những nỗ lực cá nhân?

  1. Giáo viên muốn các hoạt động tập huấn họ có thể sử dụng ngay

Không có gì tồi tệ hơn là yêu cầu cả Phòng giáo dục hoặc Sở giáo dục phải tổ chức hội thảo về chương trình học sắp sửa ban hành mà không có bất kỳ ứng dụng thực tiễn nào trong thời điểm hiện tại. Và không có gì chán nản hơn một hội thảo hay tập huấn mà diễn giả chỉ nói, nói và nói còn giáo viên thì có rất ít cơ hội thực hành, tham gia hoặc áp dụng những gì họ đang học.

Quá trình thay đổi quả không phải là điều dễ dàng. Việc giảng dạy để chuẩn bị cho các kì thi hay các bài kiểm tra trắc nghiệm thì không quá khó. Nhưng khi chúng ta muốn lớp học hoặc trường học thành một không gian, nơi đó học sinh được học tập thông qua những trải nghiệm sâu sắc và thỏa mãn những nhu cầu đa dạng của học sinh thì thực sự là điều vô cùng khó. Có lẽ vậy mà quá trình cải cách giáo dục là một chặng đường đầy khó khăn vì nó liên quan đến việc tạo dựng và kiểm tra lại các giá trị và các định hướng cho tương lai.

Để giải quyết vấn đề này chúng ta có thể xây dựng các mô hình tập huấn với những mục đích khác nhau. Một phần là các khóa học ngắn được thiết kế để dạy một kỹ năng thực tế có thể được áp dụng ngay lập tức. Đồng thời với đó là những khóa huấn luyện và giảng dạy chuyên sâu thông qua việc ứng dụng các lý thuyết học tập hiện đại và tăng sự trải nghiệm, kết nối trong quá trình học tập.

  1. Giáo viên muốn các chuyên gia tập huấn phải có kinh nghiệm trong lớp học

Một trong những lí do khiến hoạt động tập huấn chuyên môn trở nên xa rời thực tế đó là chuyên gia tập huấn chưa từng trải nghiệm qua thực tế lớp học. Hầu hết các giảng viên đều đưa ra những lí thuyết mới về giáo dục với những kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển tuy nhiên những điều này lại gặp khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam. Tôi cho rằng, ngành giáo dục nên lấy chính những giáo viên xuất sắc ở các trường phổ thông, hoặc yêu cầu các giảng viên làm công việc của giáo viên phổ thông một thời gian giống như một giáo viên thực sự trước khi bắt đầu hoạt động tập huấn chuyên môn. Tôi tin tưởng rằng việc làm nay sẽ tạo nên sự hợp tác theo nghĩa chân thực nhất trong cộng đồng giáo viên, làm cho những hoạt động tập huấn trở nên sống động và có hồn hơn.

  1. Giáo viên muốn hoạt động tập huấn phát triển chuyên môn phải liên tục đổi mới và sáng tạo

Trong những năm gần đây, giáo dục có rất nhiều đổi mới và cải cách nhưng dường như khi chúng ta nhìn vào sinh hoạt của nhà trường cũng như nhìn vào hoạt động dạy và học thì những đổi mới vẫn dừng lại đâu đó trước cánh cổng trường học. Vì vậy có thể nói đổi mới và sự sáng tạo là trung tâm trong hoạt động tập huấn đào tạo giáo viên. Tối muốn nhấn mạnh rằng, chính ngay hoạt động tập huấn giáo viên cũng cần phải sáng tạo trong hình thức tổ chức để chính giáo viên phải là người được trải nghiệm các phương pháp giảng dạy, chính giáo viên phải được tận mắt nhìn thấy, nghe thấy và làm theo những gì giảng viên truyền đạt. Nếu chúng ta muốn những điều mới mẻ vượt khỏi khuôn khổ các dự án nghiên cứu đi vào trong từng lớp học thay đổi công việc giảng dạy của giáo viên thì không còn cách nào khác chính các giảng viên đào tạo phải là minh chứng là hiện thân cho những đổi mới và sáng tạo đó.

Ngoài hình thức tập huấn chuyên môn truyền thống, ngày nay trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ, giáo viên có thể tạo dựng rất nhiều nguồn tài nguyên, chia sẻ thông tin với nhau ví dụ như các website về tài liệu hoặc kinh nghiệm dạy học, các blog hay đơn giản hơn là các fanpage, group facebook. Chính các giáo viên đã trở thành các chuyên gia đào tạo cho đồng nghiệp thông qua việc chia sẻ ý tưởng và sử dụng tiếng nói của nghề nghiệp.

  1. Giáo viên muốn việc tập huấn phải làm cho họ trở thành những giáo viên giỏi hơn.

Chính xác! đó là một nguyện vọng hoàn toàn chính đáng của giáo viên. Có thể sau khi tập huấn giáo viên không sử dụng được ngay lập tức, nhưng quan trọng hơn theo thời gian, giáo viên phải nhận thấy những bước trưởng thành về chuyên môn và nghề nghiệp của bản thân. Việc tập huấn cũng cần cho giáo viên thấy được những tầm nhìn, giá trị mới, thắp sáng nên ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp, thấy tự hào về công việc họ đang làm, giúp giáo viên có đủ động lực để vượt qua những khó khăn thử thách của công việc giảng dạy.

  1. Giáo viên muốn hoạt động tập huấn phát triển chuyên môn phải được ứng dụng trong thực tế

Một lần nữa chúng ta thấy giáo viên được học về những vấn đề cao siêu, các công cụ hiện đại nhưng những điều kiện của nhà trường không cho phép giáo viên có thể ứng dụng. Đó có thể là do tầm nhìn, sứ mệnh của nhà trường. Đó cũng có thể là do sự thiếu thốn về các điều kiện vật chất. Đôi khi nó đến từ việc giáo viên không có đủ thời gian để ứng dụng và thực hành. Nhưng quan trọng nhất là các trường học không làm cho giáo viên nhận thấy được rằng việc phát triển chuyên môn mang lại giá trị cho chính bản thân giáo viên giúp họ thành công hơn trong cuộc sống.

Bao giờ cũng vậy, khó khăn sẽ chỉ xuất hiện khi chúng ta trực tiếp bắt tay vào làm một vấn đề nào đó. Thậm chí những đổi mới sáng tạo ở giai đoạn đầu có thể gây nên những xáo trộn trong nề nếp sinh hoạt hoặc các hoạt động thường ngày của nhà trường. Vấn đề là chúng ta có dám dũng cảm đương đầu, có đối mặt với nó để giải quyết vấn đề, có dám tạo dựng những giá trị mới, có dám mang những điều chúng ta cho là cần thiết đến với học sinh.

  1. Giáo viên muốn hoạt động tập huấn phát triển chuyên môn cho phép giáo viên hợp tác và nói chuyện thành thật

Nếu các hoạt động tập huấn chuyên môn, các chương trình đào tạo không phải là nơi tin cậy và an toàn để giáo viên trao đổi những vấn đề thực tế trong lớp học thì có lẽ chúng ta cần xem lại về mục đích và sự cần thiết của nó. Theo quan điểm cá nhân của tôi, điều đầu tiên là trong các hoạt động tập huấn, các giảng viên nên lắng nghe nhiều hơn và nghe những điều thành thật từ giáo viên, để đồng cảm, thấu hiểu, sẽ chia cùng những khó khăn mà giáo viên gặp phải trước khi mang đến cho họ điều gì mới mẻ. Sau đó cần có các hoạt động bổ trợ sau đó để tạo nên các diễn đàn, các hoạt động trao đổi và thảo luận để giáo viên có thể tiếp tục trao đổi về những vấn đề mà họ cần tư vấn….

Mỗi giảng viên tập huấn cũng như các giáo viên cần phải đắm mình trong thực tiễn giáo dục, đăm chiêu vật lộn với những khó khăn thử thách để rồi cùng nhau tìm ra phương cách giải quyết. Trong một số trường hợp tôi thấy giáo viên có vẻ đang là nạn nhân của giáo dục, khi họ phải chịu đủ các loại áp lực, phải làm nhiều việc cùng một lúc, phải căng mình để chống đỡ những kì vọng đòi hỏi của xã hội. Họ thực sự cần được tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ.

Để làm được điều đó đòi hỏi giảng viên tập huấn, các nhà quản lí giáo dục, hiệu trưởng hiệu phó cần đối xử với giáo viên một cách tôn trọng với tinh thần cởi mở và sẵn sàng chấp nhận những ý tưởng trái chiều, bình tĩnh lắng nghe những chia sẻ trung thực và thành thật nhất từ chính việc giảng dạy của giáo viên.

  1. Giáo viên muốn hoạt động tập huấn phát triển chuyên môn giúp họ có tầm nhìn dài hạn hơn là giải quyết tình thế trước mắt

Trong một thế giới liên tục thay đổi các nhà giáo dục đang tìm kiếm những phương cách mang trính bền vững và lâu dài. Nhưng hãy đối mặt với sự thay đổi trong giáo dục. Văn hoá của các trường học vẫn không thay đổi trong gần một trăm năm. Khi giáo viên biết những gì họ phải học và khi họ đã chiếm lĩnh được nó, họ sẽ biết cách để vận dụng nó để giải quyết các vấn đề khác. Không phải ngày hôm nay, văn hoá trong trường học mới đang chuyển đổi. Thế giới cũng đang vận động và đổi thay không ngừng. Những tiến bộ về công nghệ đòi hỏi tất cả mọi người phải tự đổi mới mình hoặc bị tụt hậu mãi mãi. Giáo viên ngày nay cần phải linh hoạt, nhanh nhẹn và có chuyên môn để thích nghi.

Điều gì sẽ đứng vững trước những thử thách sự thay đổi của thế giới, đó chính là việc kết nối các nhà giáo dục. Giáo viên phải học cách xây dựng những kết nối và cho phép học sinh phát triển các mạng lưới học tập cá nhân. Nhưng trước tiên, chính giáo viên phải tự kết nối với nhau bằng cách chia sẻ các nguồn tài nguyên và kinh nghiệm giảng dạy.

  1. Giáo viên muốn được chủ động tham gia xây dựng các chương trình hoạt động tập huấn phát triển chuyên môn

Hiện nay việc tập huấn và đào tạo chủ yếu được xây dựng bởi các chuyên gia đến từ các trường Đại học hoặc các Viện nghiên cứu. Cũng như một chàng trai yêu một cô gái nhưng chưa bao giờ quan tâm đến cô gái thực sự muốn gì, có lẽ khi chúng ta muốn giáo viên thay đổi nên chăng cũng cần lắng nghe xem giáo viên muốn điều gì ở các hoạt động tập huấn. Lý tưởng nhất chính là giáo viên được chủ động đề xuất thậm chí là xây dựng các chương trình tập huấn chuyên môn và là đơn đặt hàng cho các trường Đại học và các Viện nghiên cứu. Hiệu trưởng và các thành viên của ban giám hiệu nên là người chủ động xây dựng chương trình tập huấn và làm cho nó trở thành một trải nghiệm có ý nghĩa cho cả giáo viên và các thành viên của trường học.

Theo truyền thống, việc tập huấn giáo viên tập trung vào việc có được kiến ​​thức và kỹ năng mới thông qua các cuộc hội thảo thụ động. Trong các cuộc hội thảo này, giáo viên học một phương pháp mới từ một chuyên gia bên ngoài và sau đó sẽ áp dụng tại lớp học của mình. Sau hội thảo, khi những áp lực của công việc hàng ngày và những lo toan trong cuộc sống khiến giáo viên không muốn thực hiện hoặc muốn thực hiện nhưng không có ai để giúp họ giải quyết vấn đề, và đa số giáo viên lại quyết định quay trở lại thói quen cũ. Việc đưa các lý thuyết mới vào thực tiễn lớp học thậm chí còn khó khăn hơn so với việc đào tạo mới hoàn toàn một giáo viên.

Tóm lại, càng lắng nghe chúng ta càng nhận ra một lỗ hổng trong công tác bồi dưỡng và phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên. Làm thế nào để khắc phục nó? làm thế nào để thay đổi những quan niệm xưa cũ, những cách làm truyền thống? đó sẽ còn là một chặng hành trình dài là một câu chuyện nhiều tập. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta cần lắng nghe những gì giáo viên nói, hiểu những việc mà giáo viên làm, đồng cảm và chia sẻ với những áp lực khó khăn mà giáo viên đang gặp phải.

Tôi tin rằng đó sẽ là cách làm hiệu quả để chúng ta có thể từng bước thay đổi quá trình tập huấn chuyên môn cho giáo viên để hoạt động này thực chất và hiệu quả hơn!

Nguyễn Hữu Long