Cuộc khủng hoảng tuyển dụng giáo viên hiện nay là một vấn đề có thật, khá rõ ràng và gây khó khăn cho hệ thống giáo dục của chúng ta.
Việc tuyển dụng giáo viên giỏi trong một số môn học là điều cực kỳ khó khăn. Ngay cả những trường học thành công nhất cũng sẽ thấy rằng họ có rất nhiều hồ sơ ứng tuyển nhưng rất ít giáo viên đạt yêu cầu. Các giáo viên xuất sắc thì đều đã có vị trí công việc ổn định và được trả mức lương cao ở các trường, số giáo viên muốn thay đổi vị trí công việc đa phần là những đối tượng có “lý do” đặc biệt.
Cùng đó, yếu tố khu vực với sự khác biệt về mặt kinh tế và xã hội giữa nông thôn thành thị, miền núi và miền xuôi đang gây khó khăn cho các trường trong việc tuyển dụng những giáo viên giỏi. Hầu hết các giáo viên giỏi tập trung ở các thành phố lớn, dân cư đông đúc và có điều kiện phát triển. Trong khi đó rất nhiều tỉnh thành, có những trường học tốt nhưng lại khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho các trường tư ở các tỉnh trở thành một phiên bản thấp hơn của trường công.
Vấn đề thứ hai là việc giữ chân giáo viên trong các nhà trường. Nhiều trường đã khá thành công trong việc tuyển dụng và đào tạo đội ngũ giáo viên nhưng việc giữ chân giáo viên cũng là một vấn đề đầy thử thách. Một số giáo viên sau khi được tuyển dụng không có đủ năng lực, trình độ nên buộc phải sa thải. Trong khi đó, có những giáo viên sau khi được đào tạo, có khả năng làm việc, vừa kết thúc giai đoạn thử việc đã ra đi theo lời mời gọi hấp dẫn hơn từ các trường khác.
Một khía cạnh quan trọng trong vai trò của một hiệu trưởng là tạo ra các điều kiện để giáo viên có sự phát triển về chuyên môn. Nếu các giáo viên trong trường có sự phát triển mạnh trong chuyên môn, nghiệp vụ thì học sinh sẽ nhận được kết quả từ các bài giảng tốt và thụ hưởng một nền giáo dục tốt – điều làm nên thương hiệu của trường.
Tuy nhiên, tôi biết không phải tất cả các hiệu trưởng đều có suy nghĩ này và tôi nói chuyện với nhiều giáo viên – những người đã làm việc trong một ngôi trường nơi văn hóa bị điều khiển bởi nỗi sợ hãi – sợ thanh tra, kiểm tra, sợ kết quả, sợ thất bại. Các trường học cần tạo dựng nên một nền văn hóa mới, một nền văn hóa của tình yêu thương – tình yêu giảng dạy, tình yêu học sinh, yêu công việc học tập.
Đáng buồn thay, chúng ta chưa hoàn toàn có được điều đó. Chiếc nồi áp suất trách nhiệm tiếp tục tạo ra nhưng căng thẳng cho tất cả các bên. Đối với giáo viên, đó là cuộc cạnh tranh để có được công việc và sẽ luôn có người chiến thắng và kẻ thua cuộc. Và một phần khá tàn nhẫn trong nghề nghiệp của chúng ta là việc theo đuổi thành công và muốn giành chiến thắng chạy đua lên đỉnh bằng mọi cách có thể.
Vì vậy, hệ thống giáo dục của chúng ta gặp khủng hoảng đơn giản là vì chúng ta không có đủ giáo viên. Đúng hơn là không đủ giáo viên có chất lượng. Vì không đủ những người giỏi thi vào sư phạm. Vì những sinh viên tốt nghiệp muốn trở thành giáo viên ngày càng ít. Và giáo viên hiện tại cũng không muốn tiếp tục làm công việc mà họ đã làm. Đó thực sự là một vấn đề.
Còn về vai trò của hiệu trưởng? Người ta thừa nhận rằng vai trò của hiệu trưởng rất phức tạp và căng thẳng. Nhưng trên các phương tiện truyền thông vẫn chưa có một cuộc khủng hoảng trong tuyển dụng và giữ chân các hiệu trưởng giống như cuộc khủng hoảng tuyển dụng giáo viên? Tôi biết rằng nhiều trường phải rất vất vả, trải qua nhiều vòng tuyển dụng mới tìm được hiệu trưởng để lãnh đạo trường học. Tôi cũng biết nhiều trường buộc phải dùng các hiệu trưởng tạm thời (để lấy danh tiếng hơn là trực tiếp điều hành). Đó cũng thực sự là vấn đề.
Gần đây, chúng ta mới bắt đầu nhận ra nhu cầu của việc tuyển dụng giáo viên cũng như lãnh đạo nhà trường. Nếu tuyển dụng giáo viên giỏi khó 1 thì tuyển dụng được một hiệu trưởng khó gấp hàng trăm lần. Trong khi đó, ở hệ thống giáo dục công lập thì hiệu trưởng vẫn là một vị trí được nhà nước bổ nhiệm theo một cơ chế rất đặc thù.
Khi chúng ta đang gặp vấn đề trong việc tìm kiếm, tuyển dụng được lãnh đạo tốt, khi chúng ta đang gặp vấn đề trong việc có được những giáo viên giỏi, liệu rằng chúng ta có dám lạc quan vào việc tạo nên những chuyển biến trong hoạt động của nhà trường, để đưa những đổi mới, cải cách trở thành hiện thực?
Một vấn đề nữa đó là, hiệu trưởng đặt ra các quy trình làm việc, tạo dựng văn hóa trong một trường học. Chính hiệu trưởng là người có thể đảm bảo trường học chọn tình yêu hơn nỗi sợ hãi, và định hướng cho cả cộng đồng trường học. Nếu các hiệu trưởng thay đổi công việc thường xuyên như các nhà quản lý bóng đá thì hoạt động của nhà trường sẽ ra sao? Học sinh sẽ học tập như thế nào? Thực sự chúng ta đã, đang và sẽ phải đối mợt với một cuộc khủng hoảng tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực giáo dục. Nhưng điều đáng lo ngại không kém là rất ít người sẵn sàng đứng lên và thay đổi nó.
Táo Giáo Dục
Phản hồi gần đây