Cuộc cải cách giáo dục đã và đang diễn ra trên quy mô cả nước. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đều hiểu rằng, chính giáo viên mới là yếu tố cốt lõi để cuộc cải cách này có thể đạt đến thành công. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển chuyên môn đang được đặt ra cấp thiết. Trong lúc chúng ta đang tập trung vào các đợt tập huấn, đào tạo và phát triển chuyên môn cho các giáo viên đang giảng dạy, có lẽ còn một đối tượng khác mà chúng ta nên chú ý, đó chính là các giáo viên trẻ và các sinh viên sư phạm chuẩn bị tốt nghiệp.

Vâng, không ai khác, họ sẽ là người sẽ chính thức bước lên vũ đài của công cuộc cải cách giáo dục để đảm đương sứ mệnh thay đổi nội dung và phương pháp giảng dạy. Chính họ chứ không ai khác là người sẽ biến những ý tưởng về dạy học phát triển năng lực trở nên thực tiễn thay vì là những lý thuyết cao siêu. Chính họ cũng là người bổ sung, chỉnh sửa, và nhận ra những giới hạn của dạy học phát triển năng lực… Có đến cả ngàn vạn lý do để thuyết phục chúng ta rằng, việc giúp các giáo viên trẻ tiếp cận và thực hiện lý thuyết về dạy học phát triển năng lực là điều cần thiết.

Nhưng có lẽ, trước hết, chúng ta nên tập trung vào lý do vì sao lại là giáo viên trẻ mà không phải là các giáo viên “nòng cốt” đã có nhiều kinh nghiệm.

Trước hết, giáo viên trẻ là những người mới, họ chưa bị định hình, đóng khung bởi các lý thuyết giáo dục. Họ cởi mở hơn trong việc tiếp nhận những điều mới mẻ. Chính vì thế, việc đổi mới phương pháp sẽ có những sáng tạo, linh hoạt và đạt hiệu quả cao hơn. Thực tiễn đã chứng minh, ở hầu hết các trường dân lập và tư thục hiện nay, đội ngũ giáo viên đều rất trẻ. Hơn nữa, quan niệm về “thầy già con hát trẻ” trước đây cũng không hoàn toàn chính xác trong một môi trường giáo dục hiện đại, cởi mở, sáng tạo và linh hoạt hơn.

Thứ hai, họ còn trẻ – nghĩa là họ có nhiều đam mê, tâm huyết, sự nhiệt tình và cả sức khỏe. Điều này giúp họ dám xông pha vào những chỗ khó khăn, dám thử thách chính bản thân mình để làm những điều mới mẻ, dám thách thức những phương pháp và cách làm xưa cũ. Họ có vốn ngoại ngữ, có kiến thức về công nghệ thông tin, có thể tận dụng những lợi thế của thời đại công  nghệ để làm cho bài giảng có được hơi thở của cuộc sống, cập nhật những lý thuyết giáo dục mới nhất. Và họ có thể thức đêm, có thể về muộn, có thể làm thêm giờ, có thể gánh thêm những trách nhiệm. Phải nói rằng, đó đều là những phẩm chất cần thiết của những giáo viên sáng tạo.

Thứ ba, họ là một thế hệ khác, khác với tất cả những thế hệ giáo viên trước kia. Họ được sinh ra từ sau khi đất nước đã đổi mới, họ được thừa hưởng những tiến bộ giáo dục của cả Việt Nam và thế giới, họ có một lối tư duy, có một cách suy nghĩ khác, thậm chí là rất khác so với các thế hệ trước. Những quan niệm của họ về nghề nghiệp, về học sinh, về bản thân, các mối quan hệ xã hội của họ cũng hoàn toàn khác biệt. Phải chăng, nếu chúng ta muốn áp dụng dạy học phát triển năng lực để mang đến một nền giáo dục hoàn toàn khác biệt có lẽ chúng ta phải sử dụng một thế hệ mới, khác biệt hoàn toàn.

Nói như vậy, không có nghĩa là tôi quá coi trọng các giáo viên trẻ đến mức thần thánh họ hay coi họ như linh hồn của cuộc cải cách giáo dục. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, họ có những lợi thế tiềm năng và cần được phát huy. Nếu chú ý đúng mức đến họ, chúng ta có thể tạo nên được những tác động mạnh mẽ và lâu dài. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chú ý đến những hạn chế của họ, để có thể tránh được nói ngay từ khi nó chưa xuất hiện.

Điều đầu tiên, đó là việc bám vào các lý thuyết giáo dục mà thiếu đi thực tiễn. Vừa rời ghế nhà trường, với niềm hăm hở, nhiệt tình, với mong muốn sẽ thay đổi thế giới, với khát khao muốn tạo dựng những điều mới mẻ, họ rất dễ mắc phải những sai lầm. Khi va đập với thực tiễn với những sự khác biệt so với tưởng tượng họ rất dễ thất bại. Những thất bại đó, nếu không có người động viên, không có những cố vấn đồng hành sẽ dễ khiến họ từ bỏ hoặc an phận.

Về mặt tính cách, các giáo viên trẻ cũng thiếu đi rất nhiều tính cách cần thiết của một người làm công việc giảng dạy. Họ luôn mong muốn mọi thứ phải nhanh và ngay lập tức, mà công việc giảng dạy lại đòi hỏi sự bình tĩnh và kiên trì. Họ luôn đòi hỏi lớp học phải hoàn hảo, nhưng để có được điều đó lại là một quá trình. Họ luôn nghĩ rằng, kiến thức là điều quan trọng nhất nhưng trong dạy học đó mới chỉ là một phần của thành công. Họ luôn muốn nổi bật, tỏa sáng trong khi điều quan trọng nhất lại là sự cân bằng,… chính vì thế, trong dạy học phát triển năng lực nói riêng và công việc giảng dạy nói chung, họ dễ cảm thấy thất vọng và bị cô lập.

Về tính cam kết, các giáo viên trẻ lại thường là nhóm có ít sự cam kết nhất. Họ sẵn sàng chấp nhận những công việc áp lực. Họ sẵn sàng đảm đương các trọng trách ngoài chuyên môn. Họ chấp nhận một mức lương thấp. Nhưng sau đó, khi có được những kĩ năng (mà họ nghĩ là đã đủ), các giáo viên trẻ liền tìm đến những môi trường mới. Ở một khía cạnh nào đó, điều này khiến cho họ thiếu đi sự cam kết với công việc. Khoảng thời gian mà họ làm chưa đủ để họ có thể tạo nên được sự thay đổi. Những thử thách mà họ vượt qua cũng mới chỉ là những bước đi ban đầu của nghề nghiệp, chưa đủ để có thể biến họ thành những giáo viên có nhiều kinh nghiệm để đương đầu với sự phức tạp trong quá trình đổi mới sẽ diễn ra sau này..

Sẽ còn nhiều điều nữa mà chúng ta có thể kể ra về các giáo viên trẻ, nhưng điều mà tôi muốn nhấn mạnh rằng, họ chính là những người cần được quan tâm, cần được hỗ trợ, chia sẻ, đồng hành và thậm chí là đào tạo lại. Nếu chúng ta giúp họ khắc phục được những hạn chế, phát huy được những thế mạnh của bản thân và các tiềm năng, chính các giáo viên trẻ sẽ là những người tiên phong tạo dựng nên diện mạo của một trường học mới. Chính các giáo viên trẻ cũng tạo dựng nên một văn hóa trường học tích cực, đưa những đổi mới về nội dung và phương pháp giảng dạy vào thực tiễn, duy trì được những tác động tích cực của nó trong lâu dài.

Táo Nhân Sự