Trong những trường học mà tôi đã đến, đã làm việc và hợp tác, tôi luôn cố gắng để quan sát, nhìn ngắm thật kĩ mọi góc cạnh của trường học đó. Có thể, đó là cách sắp đặt bài trí các phòng học, đó có thể là các slogan được treo trên tường lớp học. Đó cũng có thể là những hình trang trí trên hành lang. Cho đến những điều kín đáo hơn, như cách giáo viên giao tiếp, hợp tác với nhau. Cách các thành viên trong trường học đó chào đón một vị khách mới đến, cách hiệu trưởng nói chuyện với nhân viên, cách giáo viên giao tiếp với học sinh và phản ứng của học sinh khi nhìn thấy các thầy cô giáo… Tất cả những điều đó sẽ tạo nên một thứ gọi là Văn hóa trường học.

Văn hóa trường học là cách mà mỗi thành viên trong một cộng đồng trường học hành xử và cảm nhận. Nó cũng là điều để phân biệt một trường học này với trường học khác. Nhìn vào văn hóa trường học, chúng ta có thể biết rằng, trường học đó đang phát triển theo hướng như thế nào, học sinh trong trường học đó sẽ được đào tạo ra sao.

Và trong vô số những điều đã nhìn, đã nghe, đã thấy, đã quan sát và cảm nhận, tôi muốn đề cập đến một vấn đề rất nhỏ liên quan đến văn hóa trường học. Đó là cách sắp xếp vị trí chỗ ngồi làm việc của giáo viên và những tác động của nó.

Có thể thấy, trong hầu hết các trường học hiện nay (cả công và tư), việc sắp xếp chỗ ngồi làm việc của giáo viên vẫn là mô hình chung cư thu nhỏ. Nghĩa là mỗi giáo viên sẽ có một bàn, một góc để làm việc, các bàn đó sẽ được kê tập trung trong một phòng lớn. Đối với một số bộ môn đặc thù như Văn Thể Mỹ, các giáo viên có thể có các phòng chức năng chung.

Việc sắp xếp các phòng làm việc hiện tại là do nhu cầu của công việc. Các giáo viên có thể dễ dàng họp tổ bộ môn, trao đổi sinh hoạt về chuyên môn. Nó cũng rất tiện lợi để giáo viên có thể tâm sự chia sẻ hoặc tương tác trực tiếp mỗi khi có vấn đề gì xảy ra. Sắp xếp chỗ ngồi của giáo viên như vậy cũng tiết kiệm được không gian (và cả tài chính) so với việc mỗi giáo viên ngồi một phòng riêng.

NHƯNG

Có rất nhiều vấn đề nảy sinh từ việc sắp xếp không gian làm việc của giáo viên như vậy. Thứ nhất, nó tạo nên sự phân tán, mất tập trung do ảnh hưởng của việc di chuyển. Hãy tưởng tượng, một trường với khoảng vài chục giáo viên cùng làm việc trong một phòng khoảng 70 m2. Đa số các bàn làm việc của giáo viên được kê khá gần nhau, việc các giáo viên đến tiết lên lớp hoặc di chuyển qua lại để chuẩn bị đồ dùng học tập sẽ gây ra sự phân tán rất lớn cho những người xung quanh. Nó gây mất tập trung làm giảm hiệu suất làm việc. Đó là chưa kể, việc mỗi khi giáo viên rời đi sẽ kéo theo đó là những tiếng ồn, tiếng cười nói, câu chuyện, điều đó khiến các giáo viên khác rất khó làm việc hiệu quả.

Thứ hai, việc sắp xếp giáo viên làm việc chung trong cùng một phòng sẽ dẫn đến việc buôn chuyện, bàn tán và nói xấu sếp, lan tỏa văn hóa tiêu cực. Trong những ngày đầu tiên của năm học hoặc đối với những trường mới thành lập, điều này có thể chưa xảy ra. Nhưng dần dần, khi năm học bắt đầu bước vào guồng quay, các giáo viên cũng quen thân nhau nhiều hơn, đi cùng với đó là sự không hài lòng với ban giám hiệu và các công việc được giao. Ngay lập tức, phòng giáo viên trở thành một không gian buôn chuyện với đủ lời ra tiếng vào. Giễu cợt có, cười đùa có, chê bai có, than vãn có, đòi hỏi có, tị nạnh có… thôi thì đủ mọi cung bậc cảm xúc. Nếu điều này chỉ là một, hoặc vài trường hợp thì cũng không phải là vấn đề lớn lắm, nhưng hãy tưởng tượng, nếu điều này trở thành một nền văn hóa phổ thông ở nơi làm việc nó sẽ tác động thế nào đến những giáo viên tích cực hay với những giáo viên trẻ vừa gia nhập cộng đồng trường học?

Thứ ba, khi giáo viên ngồi cùng nhau, một cách rất tự nhiên, học sinh sẽ trở thành câu chuyện được đưa ra để thảo luận, đi cùng với đó là những bình luận về phụ huynh học sinh và các vấn đề riêng tư khác. Tôi có cảm giác, một nền văn hóa làng xã đang bao trùm lấy trường học và từng thành viên của cộng đồng trường học. Khi mà phòng làm việc chung giống như một ngôi làng, còn các giáo viên thì dòm ngó, chê bai, tỉa tót, tọc mạch về công việc cá nhân của nhau. Rồi lôi những chuyện không đâu vào đâu để bàn tán, để đàm tiếu, để nói cho nó có chuyện.

Và cứ như thế, nền văn hóa trường học đang bị tàn phá từng ngày. Cho đến một ngày kia, khi ban giám hiệu thấy chính mình cũng là nạn nhân, khi nền văn hóa tiêu cực này đã trở thành bình thường, lúc đó mọi người mới giật mình nhận ra và muốn thay đổi. Nhưng dường như đã quá muộn…

VẬY CÁC TRƯỜNG HỌC NÊN LÀM GÌ?

Theo quan điểm cá nhân của tôi, các trường nên có những quy ước về nguyên tắc làm việc và giao tiếp và theo dõi việc thực hiện nó. Nếu như, trong các lớp học chúng ta để cập đến việc xây dựng các nội quy, quy tác, các cam kết của lớp học nhằm xây dựng cộng đồng lớp học tích cực, tôi nghĩ điều đó cũng cần thiết đối với các thầy cô giáo vậy. Chúng ta cần có những nội quy tối thiểu, được viết to, viết hoa, in đậm và được treo ở một vị trí trang trọng nhất của căn phòng. Chúng ta cũng cần những “cảnh sát trật tự” để duy trì và thiết lập nó trong những tuần, những tháng đầu tiên. Chúng ta cũng cần những chế tài để xử lý những trường hợp reo rắc những điều tiêu cực, hay mang những “tin đồn” những “câu chuyện làm quà” vào không gian chung của các giáo viên.

Thứ hai, tôi cho rằng một hoặc một số thành viên của Ban giám hiệu nên ngồi làm việc cùng giáo viên hoặc chí ít cũng nên thường xuyên qua lại và đột xuất dừng lại ở phòng làm việc chung. Tôi biết các giáo viên không phải là con trẻ, không phải là đối tượng bị quản thúc, nhưng sự xuất hiện của ban giám hiệu giống như một sự nhắc nhở và cảnh báo về những dấu hiệu tiêu cực đang làm tổn hại đến văn hóa trường học. Hãy mạnh dạn nhắc nhở, cảnh cáo thậm chí là sa thải với những ai cố tình muốn phá hoại nền văn hóa trường học tích cực mà mọi người đang cố gắng xây dựng.

Và điều lý tưởng nhất mà tôi mong muốn đó là các giáo viên nên được tách ra làm việc cá nhân. Tôi vẫn mơ ước một mô hình mà phòng học chính là phòng làm việc của giáo viên. Ở đó giáo viên được trang trí lớp học theo đặc trưng của bộ môn mình, sẽ coi phòng làm việc là một không gian riêng tư cho các hoạt động chuyên môn. Và đương nhiên, khi các giáo viên ngồi tách biệt nhau, việc buôn chuyện, chê bai, nói xấu hay những tin đồn cũng không còn chỗ để tồn tại. Thời gian đó sẽ được dành cho việc chấm bài, nhận xét học sinh hay học tập phát triển chuyên môn.

Tôi cho rằng, tất cả chúng ta đều có quyền tự do ngôn luận, có quyền được chia sẻ quan điểm cá nhân của mình, và các giáo viên cũng như vậy. Nhưng  điều đó không có nghĩa là mọi người được quyền reo rắc các tin đồn hay lan truyền một nền văn hóa tiêu cực. Việc các giáo viên có bàn làm việc riêng đã là một bước tiến lớn trong các nhà trường, nhưng đi kèm với đó, từ phía các thầy cô giáo cũng như các thành viên của ban giám hiệu, chúng ta cần có sự nhìn nhận nghiêm túc từ cách sắp xếp vị trí chỗ ngồi cả giáo viên và những tác động của nó đến văn hóa trường học để có thể thực sự tạo dựng một nền văn hóa trường học tích cực, một cộng đồng trường học hạnh phúc.

TÁO GIÁO DỤC