“Hãy xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh cho công việc giảng dạy”

Nơi nào không có tầm nhìn, nơi ấy sẽ chỉ có sự diệt vong. – danh ngôn –

Trường học của bạn có một sứ mệnh tầm nhìn hay không? Nó có ý nghĩa và tác động đến các thành viên trong cộng đồng trường hay không? Hay nó chỉ là một cái gì đó được đăng trên tường, website quảng cáo, sổ tay mà bạn mơ hồ nhớ? Phải nói rằng, có một sự thiếu vắng về tầm nhìn và sứ mệnh trong các hoạt động của nhà trường. Nhưng tôi sẽ không bàn nhiều đến điều đó ở đây. Tôi chỉ muốn hỏi rằng, khi bạn là một giáo viên, tầm nhìn sứ mệnh của bạn là gì?

Vào cuối năm, khi chúng ta kết thúc công việc, đành rằng có bao nhiêu học sinh giỏi, đành rằng có bao nhiêu phụ huynh hài lòng… nhưng bạn đang làm điều đó để làm gì? À thì công việc yêu cầu sao thì tôi sẽ làm vậy. Cũng phải. Nhưng nếu ngày hôm nay phụ huynh muốn thế này, ngày mai ban giám hiệu muốn thế khác, hoặc rõ rang bạn thấy bạn làm việc hết sức, công việc cũng rất hiệu quả mà học sinh, phụ huynh và ban giám hiệu vẫn không hài lòng? Khi đó bạn phải làm sao? Đừng nói với tôi là bạn sẽ bỏ việc, chuyển trường vì bi kịch đó sẽ sớm trở lại thôi.

Đó chỉ là một trong số những lý do khiến tôi đề cập đến việc mỗi giáo viên phải xây dựng một tầm nhìn, sứ mệnh cho bản thân mình trong công việc giảng dạy không phải là một người “thợ dạy” “một nhân viên” mà là một nhà giáo dục thực sự.

Vâng, nghe đến đây chắc bạn sẽ nói, sao mà cao siêu thế, là giáo viên có mỗi thở và đi vệ sinh thôi tôi cũng đã hết sức rồi, còn thời gian đâu mà nghĩ đến tầm nhìn với chả sứ mệnh. Tôi cũng có được trả lương cho điều đó đâu?

Nhưng hãy thử tưởng tượng xem, nếu bạn là một giáo viên mà nhất là giáo viên trong thời đại bún chấm cơm (bốn chấm không 4.0) với vô vàn những sự thay đổi đang bủa vậy và ập đến với bạn, nếu bạn không có một triết lý rõ ràng về con đường mà mình sẽ đi về sứ mệnh mà mình cần làm, bạn sẽ thấy hoang mang và chán nản lắm. Một tầm nhìn giúp cho giáo viên không bị “lạc trôi” theo làn sương khói phôi phai. Nó cho người giáo viên một mỏ neo, một chiếc la bàn định hướng trước muôn vàn những đổi thay của các giá trị và thời cuộc. Nó khiến giáo viên không bị mất kiểm soát, bi quan, hay thất vọng về những điều mà báo chí hay truyền thông nêu. Nó nhắc nhở người giáo viên rằng, vì sao bạn tồn tại trên cuộc đời này, làm công việc này. Vì sao bạn lại ở đây – trong lớp học và làm việc với học sinh…

Cuộc sống hàng ngày với một danh sách những công việc, nó cuốn giáo viên vào một vòng xoáy không thể thoát ra. Ai cũng phải bắt đầu công việc vào 7h sáng (hoặc muộn hơn một chút) rồi dạy 18 – 25 tiết/ tuần (tùy từng trường), rồi cũng giáo án, sổ sách, giấy tờ, bài vở, họp phụ huynh, thanh tra, kiểm tra,… và cả dạy thêm, học thêm, kèm thêm,… ai hỏi giáo viên có cảm thấy nhàn nhã không? Chắc chắn người đó chưa từng làm việc trong ngành giáo dục, nhưng mà câu hỏi đó không phải không có lý của nó. Vì nếu như thầy cô làm việc vất vả đến độ như vậy, chắc hẳn chúng ta phải là cường quốc về giáo dục rồi chứ, chắc hẳn học sinh sẽ hạnh phúc và tự hào lắm chứ, chắc phụ huynh cũng chẳng phải lo mà gửi con đi du học nữa… Nhưng kết quả thì sao, chúng ta có học sinh giỏi, nhưng khả năng sáng tạo thấp. Chúng ta có nhiều giải nhưng lại không có phát minh. Chúng ta làm phụ huynh hài lòng về điểm số nhưng thất vọng về chất lượng… vậy chẳng phải là chúng ta đang làm điều gì đó “sai sai” ư, chẳng phải chúng ta đang có vấn đề về “tầm nhìn” và “sứ mệnh” ư, chẳng phải chúng ta đang bị cuốn vào những điều nhỏ nhặt mà quên mất rằng, mình làm điều đó để làm gì? Và những “đối tác” – những người chúng ta đang phục vụ có thực sự cần điều đó hay không… vân vân và mây mây…

Trong một lần, trò chuyện với một chuyên gia giáo dục, cô nói với tôi rằng: nếu bạn bước vào một nhà trường, bạn hãy hỏi một học sinh và một giáo viên xem, tầm nhìn và sứ mệnh của nhà trường đó là gì, sau đó hãy hỏi xem điều đó đã thể hiện như thế nào trong việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh đó. Bạn sẽ biết được ngôi trường đó có thực sự tốt hay không. Bởi tầm nhìn và sứ mệnh có thể được hiểu rất rõ bởi người lãnh đạo nhưng đôi khi lại bị lãng quên bởi chính người đang chuyên chở sứ mệnh đó.

Câu nói này đã thổi vào tâm trí tôi một luồng gió mới, tác động lớn đến suy nghĩ của tôi. Bởi vì việc đưa một số chương trình vào trường học, thiết kế lại kế hoạch kỷ luật, thậm chí cung cấp cho giáo viên sự phát triển và hỗ trợ chuyên môn, đó không phải là chìa khóa – chìa khóa là sứ mệnh và tầm nhìn. Không có tầm nhìn, mọi người diệt vong – và những giáo viên giỏi nhất sẽ là những người nhanh chóng bỏ việc.

Tầm nhìn và sứ mệnh của bạn là gì? Hãy chia sẻ nó với chúng tôi.

Nguyễn Hữu Long

Dự án Đào tạo và hỗ trợ giáo viên – Táo Giáo Dục