Nhiều bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn không thể tìm được công việc trong khi các trường lại không thể tìm kiếm được những ứng viên tiềm năng. Khi tôi hỏi các bạn sinh viên, tại sao em không ứng tuyển vào trường này hay trường kia? Có nhiều trường đang tuyển mà… Thì câu trả lời chung của các bạn đều là, chúng em không có đủ kinh nghiệm, không có đủ năng lực hay em không có và không có…

– Vậy các em có những gì?

– Em đã từng có kinh nghiệm đi gia sư.

– Vậy trước đây, em đã làm gia sư như thế nào?

– Em toàn giải bài tập cho học sinh hoặc là giúp học sinh làm các bài tập về nhà mà cô giáo giao. Vậy thôi ạ!

Uhm, kể ra thì việc em làm cũng chẳng có gì sai, nếu như không có ngày hôm nay khi em chuẩn bị trở thành một giáo viên thực sự, chuẩn bị làm một công việc với rất nhiều khó khăn thử thách trong những mối quan hệ phức tạp và chồng chéo. Vâng, cũng phải thưa một điều rằng, việc dạy gia sư, hay dạy ở trung tâm với dạy ở các trường là hoàn toàn khác biệt nhau. Tôi không muốn đi sâu chi tiết vào sự khác biệt đó mà chỉ muốn giúp các bạn sinh viên có thể học được các kĩ năng, kinh nghiệm giảng dạy ngay khi các em làm công việc gia sư của mình.

Làm thế nào để việc đi gia sư trở thành kinh nghiệm quý giá đối với công việc trong tương lai?

Khi gia sư, bạn không nên dừng lại ở việc giải bài tập cho học sinh. Hãy nhớ, gia sư là cơ hội vô cùng tốt để em thực tập công việc giảng dạy của bản thân. Nhiều phụ huynh thuê gia sư để hỗ trợ cho việc học của con, đôi khi học sinh chỉ đưa các bài tập và giải cho học sinh thế là xong. Nhưng hãy thử soạn bài như một giáo viên, hãy xem có bao nhiêu mẫu giáo án, hãy thử việc chuẩn bị các tài liệu tham khảo, các phiếu học tập để dạy cho học sinh đó như thể bạn đang dạy học sinh trên lớp vậy. Hãy thử áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, hãy thử thúc đẩy học sinh tư duy thông qua các hoạt động thảo luận, hãy mạnh dạn dành thêm thời gian để suy nghĩ, để giao tiếp và tạo động lực cho học sinh… nếu bạn thành công với một đứa trẻ, nhiều khả năng bạn sẽ thành công với cả lớp học. Nếu bạn chỉ giải bài tập cho học sinh, đúng giờ thì đến, hết giờ thì về, các kĩ năng giảng dạy của bạn sẽ không bao giờ có cơ hội để phát triển.

Khi đi gia sư, ngoài việc giải bài tập, hãy dành thời gian để giao tiếp với học sinh và phụ huynh, để hiểu xem học sinh nghĩ gì? Hãy hỏi bọn trẻ con về những gì xảy ra trong lớp học của chúng? Về thầy cô giáo của chúng? Về mối quan hệ của chúng với các học sinh khác. Hãy nhớ hoặc ghi chép lại và tạo ra một lớp học trong tưởng tượng, hãy phân tích những dữ liệu đó như một nhà giáo dục, nó sẽ vô cùng có ích cho bạn trong cuộc phỏng vấn xin việc. Hãy học cách giao tiếp với phụ huynh như thể bạn là một giáo viên chính thức, hãy cho phụ huynh biết được sự tiến bộ của con họ nhưng không khiến cho họ bị ảo tưởng hay cảm giác bị lừa dối. Hãy giúp phụ huynh nhìn thẳng vào những mặt yếu của con và gợi ý cho họ cách giải quyết (kể cả việc tình nguyện làm thêm giờ). Hãy kịp thời cho phụ huynh nắm được những vấn đề về cuộc sống cá nhân và các mối quan hệ của học sinh trên lớp nhưng lại không khiến học sinh bị mất niềm tin hoặc nghĩ cô giáo là kẻ mách lẻo,… hãy học cách gửi email chuyên nghiệp như một giáo viên thực thụ và cũng học cách để “cứng” với phụ huynh trong những trường hợp bạn thấy rằng mình đang làm đúng.

Khi làm gia sư, hãy bắt đầu xây dựng triết lí giáo dục của bản thân, rằng bạn nghĩ gì về công việc dạy học, rằng bạn quan tâm đến điều gì trong mục đích nghề nghiệp của bản thân mình. Bạn sẽ chứng minh và thể hiện triết lý đó như thế nào trong công việc? Khi triết lý hoặc mục tiêu nghề nghiệp của bạn bị xâm phạm bạn sẽ làm gì?… vân vân và mây mây, những điều này sẽ giúp bạn thể hiện được cá tính, phẩm chất và sự khác biệt của bản thân mình trong số ba vạn chín nghìn người đang làm công việc gia sư hàng ngày. Điều này cũng bao hàm cả sự “linh hoạt” trong nghề nghiệp để thực hiện được triết lý giảng dạy khi những xung đột xảy ra với phụ huynh và học sinh.

Khi làm gia sư, hãy qua học sinh mà tìm hiểu cả về một nền giáo dục mà đứa trẻ đang trải nghiệm, hãy xem học sinh đó học ở trường nào? Trường ấy thuộc loại trường gì? Công hay tư? Trường chọn hay trường thường? Cách giáo viên ở trường giao tiếp với phụ huynh và học sinh? Hãy tham khảo các thông tin mà giáo viên phản hồi về quá trình học tập của con. Hãy xem vở ghi để biết giáo viên đang giảng dạy theo phương pháp nào? Có tích cực hay không? Tầm nhìn, triết lý, sứ mệnh của nhà trường mà con đang học là gì? Tại sao phụ huynh lại chọn trường đó? Những vấn đề của nhà trường đó đang gặp phải là gì?… Khi bạn có được câu trả lời cho những câu hỏi này, tôi cá là việc trả lời phỏng vấn xin việc của bạn sẽ đơn giản như đan rổ, bạn sẽ cảm thấy như mình đã từng là một giáo viên thực thụ.

Khi làm gia sư, bạn hãy thôi cho rằng đó chỉ là công việc kiếm tiền tạm thời, hãy dừng lại việc dạy học theo kiểu “cho xong”, hãy chấm dứt việc ngồi giải bài tập hoặc đọc cho học sinh chép văn mẫu, hãy từ bỏ lối làm việc theo kiểu thụ động “giao gì làm lấy” và hãy dám mạnh dạn thử thách bản thân mình, hãy học hỏi từng khoảnh khắc, từng chi tiết cho dù là nhỏ nhất. Hãy tập thói quen ghi chép và phân tích lại những gì đã thấy, đã nghe và đã làm… Tôi tin, khi ra trường bạn sẽ tự tin để bước lên bục giảng như một giáo viên có kinh nghiệm.

Nguyễn Hữu Long – TGD