Đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đang tạo nên xu hướng mới tại thị trường Việt Nam, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách “rót” vốn vào thị trường giáo dục tại Việt Nam. Ông nhận xét gì về mảnh đất tiềm năng này?

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển theo hướng hội nhập, hiện đại hóa, giai đoạn 2014-2017 trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu lao động Việt chuyển từ ngành nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. Xu hướng đô thị hóa sẽ tiếp tục lan rộng với tốc độ nhanh chóng, vì vậy phát triển giáo dục quốc gia trở thành ưu tiên hàng đầu để nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động và tăng năng suất làm việc.

Việt Nam với quy mô dân số lớn trên 94 triệu người và cơ cấu dân số trẻ, đang có nhiều lợi thế để phát triển mảng giáo dục, mà trọng tâm là cải thiện chất lượng. Khi nền giáo dục trong nước còn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, nhiều gia đình khá giả đã chọn giải pháp cho con đi du học.

Theo số liệu của Viện Thống kê của UNESCO, số lượng du học sinh Việt Nam đã tăng trung bình 12%/năm, từ 50.000 học sinh năm 2012 lên đến xấp xỉ 80.000 học sinh năm 2016. Những con số này cho thấy ngành giáo dục tại Việt Nam cần có những phương án thay thế và càng cho thấy rõ hơn nữa về tiềm năng đầu tư trong lĩnh vực này.

Tại một số thành phố lớn của Việt Nam, cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực giáo dục hiện nay theo ông có còn rộng mở?

Có thể lấy dẫn chứng cụ thể, TP. HCM là 1 trong 27 thành phố trên thế giới có trên 50 trường học quốc tế. Các trường học này không chỉ giảng dạy cho con em của các gia đình người nước ngoài tại Việt Nam mà cả các gia đình người Việt mong muốn cho con mình theo học tại các cơ sở cấp chứng chỉ quốc tế. Phần lớn các trường quốc tế tại TP.HCM đều nhận được rất nhiều hồ sơ xin theo học của học sinh Việt Nam.

Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/8/2018) đã nâng hạn mức số lượng học sinh Việt Nam tại các trường học có vốn đầu tư nước ngoài, cho phép tối đa có 50% học sinh Việt tại các trường quốc tế, thay vì trước đó là 10% đối với trường tiểu học và 20% đối với trường THCS và THPT. Những thay đổi trong quy định của luật pháp đã đem đến cơ hội lớn cho các nhà đầu tư quan tâm đến việc xây dựng trường học quốc tế tại Việt Nam.

M&A liệu có phải là con đường nhanh nhất để các nhà đầu tư ngoại tham gia vào  lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam không, thưa ông?

Thực tế, thời gian qua M&A đã và đang diễn ra rất sôi động tại thị trường giáo dục Việt Nam. Cụ thể, Cognita, một quỹ giáo dục có tên tuổi đã mua Trường Quốc tế TP.HCM (International School of HCMC – ISHCMC) và Trường Tiểu học Saigon Pearl. Quỹ North Anglia mua Trường Quốc tế Anh Quốc (British International School); hay EQT đầu tư vào ILA, một chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn tại Việt Nam. IFC đầu tư vào chuỗi trung tâm tiếng Anh Hội Việt – Mỹ (Vietnam-USA Society – VUS); Mekong Capital đầu tư và trung tâm tiếng Anh YOLA; và IAE đầu tư và Đại học Western University…. Những dẫn chứng này cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường giáo dục  tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam ưu tiên hợp tác với các trường đại học quốc tế và rất nỗ lực trong việc mở rộng các hình thức giáo dục và đào tạo cho học sinh sau cấp THPT; số lượng học sinh Việt đi du học vẫn tiếp tục tăng mạnh, trong số đó nhiều sinh viên quyết định học đại học tại các nước như Mỹ, Úc, Nhật, Pháp. Có thể thấy, môi trường giáo dục tại Việt Nam đang cần có thêm các trường đại học chất lượng, với bằng cấp được công nhận trên thế giới và học phí cạnh tranh.

Vậy, ông đánh giá như nào về triển vọng trong tương lai đối với hoạt động đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam?

Với 41% dân số thuộc “thế hệ vàng” (dưới 24 tuổi), số lượng người giàu và gia đình trung lưu ngày một tăng mạnh, người Việt Nam sẽ sớm có khả năng chi trả nhiều hơn cho việc học tập của con cái theo một tiêu chuẩn giáo dục tốt hơn. Dự kiến nguồn cầu cho giáo dục bậc cao tại Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao, vấn đề đặt ra là nguồn cung đáp ứng như nào về cả số lượng và chất lượng để theo kịp nhu cầu tại thị trường rộng mở của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!


Thanh Tuyết thực hiện

(Dẫn theo http://thoibaonganhang.vn)