“Trong lĩnh vực giáo dục, khu vực tư nhân chỉ có thể tham gia được vào những mảng hoạt động mà ở đó khu vực công không làm hoặc không có lợi thế”. Đó là nhận định của Luật sư Trần Dự khi chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan đến xu hướng và triển vọng hoạt động đầu tư vào thị trường giáo dục trong năm 2019.

Theo đó, hiện nay, mặc dù đã có nhiều hơn nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực giáo dục, tuy nhiên, vẫn hơi trễ hơn so với các lĩnh vực khác, nếu nhìn rộng ra bức tranh của cả nền kinh tế, có nhiều những ngành, khu vực, tư nhân đã tham gia vào từ rất lâu rồi.

– Ông nói đầu tư vào giáo dục “trễ” hơn so với các lĩnh vực khác. Vậy, cụ thể “trễ” ở đây là như thế nào, thưa ông?

Trong lĩnh vực giáo dục, nhìn lại cách đây khoảng 10 năm – 20 năm, thị trường đầu tư cũng đã ghi nhận một số thương vụ, tuy nhiên đó là những hoạt động đầu tư ít, và nhỏ. Trong đó, có thể kể đến như hình thành các trường đại học dân lập, tư thục, trường phổ thông thí điểm do tư nhân thành lập, tuy nhiên cũng vấn rất hạn chế.

Còn khoảng 10 năm trở lại đây, tư nhân đầu tư vào giáo dục mới thực sự “bùng” lên. Theo đó, nhà đầu tư tư nhân đã “thống trị” trong mảng đầu tư vào giáo dục thường xuyên, tiếng anh và dạy nghề.

Tuy nhiên, ở những mảng khác của lĩnh vực giáo dục như trường phổ thông hay đại học, cao đẳng, trung cấp… thì khu vực công vẫn là lực lượng chính chiếm thị phần chính.

Để khu vực tư nhân có thể cạnh tranh với khu vực công ở những mảng lính vực này là rất khó. Bởi khu vực công họ nhận được sự ưu đãi về đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng đến bao cấp tiền lương, chi phí lao động…

– Nói như vậy thì việc lấn sân của nhà đầu tư tư nhân vào những khu vực công không hề đơn giản, tuy nhiên rõ ràng, những thương vụ đầu tư như TOPICA NATIVE được nhận 50 triệu USD thì như thế nào thưa ông?

Khu vực tư nhân đang lấn sân vào thị trường giáo dục đào tạo mà khu vực công không quan tâm hoặc là không có lợi thế. Ví dụ như giáo dục trực tuyến là một trong những mảng giáo dục công dường như đang bỏ ngỏ, không làm thì một vài nhà đầu tư tư nhân mới vào và làm.

Để mà nói hoạt động đầu tư vào giáo dục trực tuyến đã có lợi nhuận hay chưa thì cũng chưa có mấy đơn vị tham gia vào giáo dục trực tuyến mà có được lợi nhuận. Tuy nhiên, cái hay của hình thức đào tạo này đó là không bị hạn chế bởi đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất. Nghĩa là về mặt quy mô không bị giới hạn.

Ví dụ, với trường đại học, khi quy mô xây dựng trường là khoảng 2000 sinh viên, tuy nhiên nếu tiếp nhận tới 3000 học sinh thì không được và phải xây dựng cơ sở mới. Còn đào tạo trực tuyến, nếu hôm nay đào tạo 10 người, song hôm khác đào tạo đến 1 triệu học viên cũng không có quá nhiều khác biệt.

Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, có một vài giao dịch đầu tư vào một số công ty S-tech – những công ty công nghệ giáo dục được định giá tương đối tốt, bởi nhà đầu tư định giá dựa trên tiềm năng trong tương lai của loại hình giáo dục này là chính. Còn ở thời điểm hiện tại, tiềm năng của hoạt động giáo dục trực tuyến là chưa “ăn thua”.

– Để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực giáo dục dường như phải “xoá bỏ” được những điều kiện đầu tư “vô lý” như 1000 tỷ tổng vốn đầu tư và diện tích là 5ha, thưa ông?

Ngay từ đầu khi những văn bản này còn đang ở giai đoạn “thai nghén” của hoạt động soạn thảo, chúng tôi cũng đã có ý kiến. Cá nhân tôi cho rằng, những rào cản tương đối hình thức này là vấn đề hoàn toàn không nên có.

Nhìn ở góc độ của cơ quan chủ quản, nhà nước thì đây được xem là những tiêu chuẩn để “sàng lọc” nhà đầu tư. Theo đó, Nhà nước không muốn có quá nhiều đối tượng là nhà đầu tư tư nhân không có năng lực tham gia vào thị trường, làm rối loạn thị trường và khó quản lý…. thay vào đó muốn có những nhà đầu tư chất lượng tham gia vào thị trường.

Về mặt nguyện vọng mà nói thì hoàn toàn hợp lý, không có gì sai trong trường hợp này.

Tuy nhiên, liên quan đến câu chuyện sàng lọc các đối tượng tham gia vào thị trường, trước tiên, những yếu tố như năng lực, trí tuệ, khả năng giảng dạy, trình độ kinh nghiệm, trí thức…. là những yếu tố định tính, không sàng lọc được. Vì vậy, các quy định mới hướng đến những tiêu chí “cứng” để sàng lọc như diện tích đất hoặc tổng mức đầu tư phải có là bao nhiêu? Đây là những tiêu chí không liên quan đến trình độ, chất lượng của doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tham gia vào thị trường giáo dục.

Chính vì vậy, theo chúng tôi, những tiêu chí này ngay từ đầu là không nên, vì nó sẽ hạn chế rất nhiều đơn vị có khả năng cung cấp chất lượng, sản phẩm, dịch vụ tốt tuy nhiên vì giới hạn về nguồn vốn, đất đai mà không thể gia nhập thị trường đầu tư giáo dục. Ngược lại, có nhiều đơn vị họ “lấn sân”, ví dụ như làm bất động sản, hoặc những ngành nghề khác, không có chuyên môn về giáo dục nhiều, tuy nhiên, họ đáp ứng được tiêu chuẩn về đất, tiền thì họ vẫn có được giấy phép. Điều này có nguy cơ làm cho thị trường bị bóp méo hơn.

– Xin ông phân tích rõ hơn về điều này?

Điều này có nguy cơ gây góp bóp méo ở chỗ, nếu đứng trên quan điểm của nhà đầu tư, thì bất cứ hoạt động đầu tư nào cũng phải sinh lời và đầu tư vào giáo dục cũng vậy. Nếu đầu tư mà không sinh lợi nhuận thì làm gì có ai đầu tư, cho dù làm phi lợi nhuận.

Với quy mô đầu tư, để có thể có được tổng vốn đầu tư lên tới con số 1.000 tỷ vốn và diện tích 5ha đất, đó là số tiền lớn, thì khi làm một dự án đầu tư, để hoàn vốn được hoặc sinh lời trong giáo dục là rất rất khó, trừ trường hợp là làm rất tốt, rất giỏi và trong phân khúc mức giá tương đối cao.

Ví dụ như các trường đại học của RMIT, hay học phí tương đối cao FPT hay Hoa Sen, nếu ở mức học phí đại trà thì rất khó thu hồi vốn, học phí 1-2 triệu/tháng với mức tổng đầu tư này không thể thực hiện được. Nhà đầu tư khi đó sẽ chỉ hướng đầu tư vào phục vụ một số đối tượng khách hàng có khả năng chi trả tốt.

– Theo ông, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực giáo dục trong năm 2019 sẽ diễn biến như thế nào?

Thời gian gần đây, có nhiều nhà đầu tư tới Việt Nam để tìm hiểu về cơ hội đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, để mà nói có sự đột biến, thì tôi chưa nhìn thấy!

Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài họ thường quan tâm tới các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp đang hoạt động sẵn, có quy mô tương đối và có lợi nhuận. Tuy nhiên, những đơn vị như vậy ở Việt Nam là không có nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tiêu chuẩn ở đây là phải có lợi nhuận, quy mô phải đủ lớn, những suất đầu tư 30 -50 triệu USD không còn là những thương vụ hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài nữa, thay vào đó là những thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD. Đây mới là đối tượng được nhiều nhà đầu tư săn đón.

Về mặt thị trường, họ quan tâm tới tính ổn định của thị trường, Việt Nam được đánh giá là một thị trường tương đối ổn định. Bên cạnh đó, sự cởi mở của chính quyền liên quan đến việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường đầu tư giáo dục, thì Việt Nam được đánh giá là tốt hơn so với nhiều nước trong khu vực. Vì vậy Việt Nam vẫn được xem là một trong những điểm đến mà họ yêu thích.

Xin cám ơn ông!

(theo Baomoi.com)