Có ba vạn chín nghìn lý do khiến một số giáo viên trong đó có bạn, phải tạm dừng công việc giảng dạy một thời gian. Đó có thể là do, khi ra trường bạn chưa xin được việc phải dạy ở các trung tâm, có khi là vì lý do gia đình, con nhỏ. Hay có những giáo viên nghỉ dạy giữa chừng vì đơn giản họ muốn bình tĩnh để nhìn lại xem liệu rằng dạy học có thực sự là niềm đam mê và là lựa chọn đúng đắn trong cuộc sống? Cho dù bạn rời trường học vì bất cứ lý do gì bạn vẫn phải đối diện với một thực tế là, bạn đã tạm lỡ nhịp với những gì đang diễn ra trong trường học và rộng hơn là hệ thống giáo dục đang vận hành, biến đổi không ngừng. Cho đến một ngày kia, cũng lại vì chín nghìn lý do khác nhau, bạn muốn quay trở lại công việc mà trước kia bạn đã bỏ dở. Bạn nghĩ rằng trở lại lớp học cũng giống như việc đi xe đạp. Nghĩa là sau một thời gian có thể lâu thật lâu, bạn không đi, nhưng khi có chiếc xe bạn, bạn vẫn có thể bình tĩnh ngồi lên yên, nắm lấy ghi đông, đặt chân lên bàn đạp và phóng đi với khuôn mặt rạng ngời đầy tự tin. Nhưng mọi chuyện sẽ không dễ như bạn tưởng. Việc quay trở lại lớp học và công việc giảng dạy không giống như vậy. Sẽ có rất nhiều chông gai, trở ngại, khó khăn, thách thức bạn sẽ phải đối mặt khi quay trở lại lớp học.
1. Môi trường đã thay đổi
Sau khi tốt nghiệp, ra trường, bạn gặp khó khăn trong việc tìm được một vị trí giảng dạy phù hợp, và bạn lựa chọn con đường dễ hơn là vào các trung tâm dạy học online hoặc các trung tâm gia sư, các nhóm dạy kèm. Công việc này khiến cho bạn có một mức thu nhập (thậm chí là cao) nhưng một ngày kia, bỗng nhiên bạn nhận ra có điều gì đó không ổn. Bạn mong muốn một công việc ổn định hơn. Bạn muốn học thêm một điều gì đó mới mẻ hay đơn giản là có một môi trường làm việc năng động. Bạn muốn ứng tuyển vào một trường học nào đó. Tuy nhiên, lớp học ngày hôm nay có sự khác biệt không hề nhẹ với lớp học mà bạn đang dạy ở trung tâm hay online. Lớp học ngày hôm nay cũng không giống những lớp học mà bạn đã từng trải qua thời học sinh hay được biết đến trong kì thực tập sư phạm. Sự năng động của công nghệ, những kỳ vọng của phụ huynh với giáo viên và thậm chí các tiêu chí đánh giá đã thay đổi khá nhiều. Bạn phải sẽ phải tìm cách để có thể tương tác và giao tiếp hiệu quả, hợp tác, làm việc nhóm và cũng có khi là chịu đựng những điều “ngang tai trái mắt”…
2. Yêu cầu của một nền giáo dục mới
Một lý do khiến việc quay lại giảng dạy trở nên khó khăn là bởi vì những yêu cầu rất mới, rất khác của các nhà trường và rộng hơn là của cả nền giáo dục. Khi bạn rời khỏi lớp học, có lẽ dạy học cũng không có gì khác lắm so với trải nghiệm bạn đã có thời học sinh. Bạn sẽ dạy học sinh cách kiến thức trong sách giáo khoa, cho chúng học thuộc, dạy chúng cách làm các đề thi, hướng dẫn cho chúng biết cách khoanh vào các đáp án để đạt điểm cao trong bài trắc nghiệm,… có lẽ điều đó cũng vẫn còn đúng ở đâu đó. Nhưng trong các nhà trường hiện đại, mọi thứ đã biến đổi, bạn phải chú ý đến dạy học phân hóa, biết phát huy tính tích cực của học sinh, phát triển năng lực người học, tạo động lực lôi cuốn học sinh tham gia, bạn phải dạy đủ kiến thức nhưng lại phải hay và hấp dẫn, bạn ít quyền lực và nhiều áp lực hơn,… Thành thật mà nói, nếu bạn không cập nhật, bạn sẽ không thể hiểu nổi điều gì đang diễn ra trong công việc của mình. Bạn không biết làm sao để có thể dạy khác đi, làm thế nào để có thể “hấp dẫn học sinh” “chiều lòng được phụ huynh” và “thỏa mãn được kì vọng của ban giám hiệu,… Đó là chưa kể đến một loạt phương pháp giảng dạy mới, dạy học dự án, dạy học trải nghiệm, lớp học đảo ngược,… và cả núi các dự án học tập, các hoạt động ngoại khóa, các công việc chuẩn bị cho tiết dạy,… tin tôi đi, khi trở lại chắc chắn bạn sẽ cảm thấy mình bé nhỏ và hoang mang như bước vào một thế giới khác.
3. Công nghệ đã thay đổi
Nếu bạn trở lại lớp học sau một vài năm, hãy tin rằng công nghệ mà bạn sẽ sử dụng cũng sẽ thay đổi rất nhiều. Khi bạn rời lớp học, phòng học chỉ có bảng đen, phấn trắng, một máy tính để bàn và có lẽ là một máy chiếu được treo trên trần nhà. Các thiết bị công nghệ dường như là điều gì xa xỉ lắm. Ấy vậy mà chỉ vài năm thôi, khi bạn trở lại lớp học, bạn sẽ thấy những phòng học STEM, thấy những bảng thông minh, các phần mềm phục vụ việc dạy học,… Nếu bạn không muốn bị lạc lõng và choáng ngợp, hãy học cách sử dụng nó, hoặc chí ít cũng nên tưởng tượng về nó trước khi quay lại giảng dạy.
4. Học sinh nay đã thay đổi
Một thay đổi khác có thể là thách thức khi trở lại công việc giảng dạy là cách quản lý học sinh. Trong một lớp học truyền thống trước kia, bạn là người duy nhất có quyền lực trong lớp học. Mỗi lời bạn nói ra là chân lý, mỗi việc bạn làm là chuẩn mực, học sinh hướng đến bạn như những vị thánh, mắt chớp chớp, mồm đớp đớp, cố nuốt lấy từng lời vàng ngọc, chép lấy từng câu chữ bạn nói ra. Thế rồi khi bạn trở lại lớp học, bạn thấy học sinh ngồi theo nhóm 4 người, những cái miệng luôn hướng vào nhau để sẵn sàng buôn dưa lê bán dưa chuột, chia sẻ mọi “tâm sự” hỉ, nộ, ái, ố trong tiết học. Bạn không quát học sinh thì lớp ồn, bạn quát học sinh thì bảo là khó tính độc đoán. Đó là chưa kể là học sinh cũng có quyền được “đánh giá” về giáo viên. Bạn dễ tính thì chúng không chịu học, bạn khó tính thì chúng muốn xin đổi giáo viên. Bạn cho học sinh điểm thấp thì phụ huynh không hài lòng, cho học sinh điểm cao thì biết giải trình làm sao với ban giám hiệu. Bạn càng muốn lôi cuốn học sinh vào tiết học thì học sinh càng tỏ ra không hứng thú với nội dung bạn đang dạy. Vâng, thế đấy, liệu rằng bạn đã sẵn sàng cho việc quay trở lại?
Nhưng tôi vẫn khuyên bạn hãy mạnh dạn quay trở lại lớp học…
Vì bạn đã chọn công việc dạy học, vì đó là niềm đam mê là sứ mệnh trong cuộc sống của bạn. Hãy quay trở về với nó như trở về với chính con người bạn. Đừng sợ hãi, cũng đừng lo lắng. Khi bạn trở lại lớp học, chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn và thử thách. Nhưng tôi tin, chắc chắn bạn sẽ làm được nếu bạn có niềm đam mê với công việc này. Vượt qua được những khó khăn và thử thách đó, bạn sẽ trở thành một người giáo viên hiệu quả trong mắt của đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh. Hãy mạnh dạn, điền vào thư ứng tuyển, hãy gửi CV của mình, hãy vượt qua những điều đang cản trở bạn. Tôi tin bạn làm được vì bạn thực sự xuất sắc mà!
Nguyễn Hữu Long
Sáng lập Dự án Đào tạo và hỗ trợ giáo viên
Phản hồi gần đây